Thiếu hụt collagen: Dấu hiệu, tác hại, nguyên nhân và cách cải thiện

Collagen là một loại protein quan trọng giúp duy trì độ đàn hồi và vững chắc cho da, xương và khớp. Thiếu hụt collagen là khi cơ thể bị mất đi một loại “keo tự nhiên” giúp duy trì sự săn chắc, linh hoạt và bền vững của da, xương, và các mô, khiến cơ thể dễ bị lão hóa và tổn thương hơn. Khi thiếu collagen, cơ thể dễ gặp phải các vấn đề như da bị lão hóa, khô ráp, nếp nhăn và đau nhức xương khớp. Các dấu hiệu thiếu hụt collagen nổi bật bao gồm da mất đàn hồi, tóc và móng yếu, xương khớp suy yếu, và nếp nhăn quanh mắt.

Thiếu hụt collagen không chỉ làm suy giảm vẻ ngoài mà còn gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe, như gia tăng quá trình lão hóa da, làm đau khớp và giảm khả năng phục hồi cơ thể sau chấn thương. Nguyên nhân chính của tình trạng thiếu collagen là do lão hóa tự nhiên, chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng, căng thẳng và tác động của tia UV.

Các biện pháp tốt nhất để cải thiện tình trạng thiếu hụt collagen là bổ sung thực phẩm chức năng collagen, cải thiện chế độ ăn uống giàu vitamin C, và duy trì lối sống lành mạnh giúp tái tạo collagen cho da hiệu quả.

Thiếu hụt collagen là gì?

Thiếu hụt collagen là tình trạng cơ thể không sản xuất đủ collagen hoặc lượng collagen trong cơ thể giảm dần theo thời gian, dẫn đến suy giảm chức năng của các mô liên kết.

Collagen là một loại protein cấu trúc quan trọng, chủ yếu có mặt trong da, xương và khớp, chiếm khoảng 30% tổng lượng protein trong cơ thể. Collagen giúp duy trì độ đàn hồi cho làn da, giúp xương chắc khoẻ và khớp linh hoạt. Khi lượng collagen suy giảm, da mất độ đàn hồi và xuất hiện nếp nhăn, tóc dễ gãy rụng, móng yếu, khớp đau, sụn bị thoái hóa, và xương kém chắc khoẻ.

Dấu hiệu nào giúp nhận biết thiếu hụt collagen?

Các dấu hiệu nhận biết cơ thể bị thiếu hụt collagen bao gồm:

  1. Da mất đàn hồi và khô ráp
  2. Tóc và móng dễ tổn thương
  3. Xương khớp suy yếu
  4. Vùng mắt kém săn chắc
  5. Cấu trúc cơ thể thay đổi
  6. Răng và lợi dễ tổn thương
  7. Hệ tiêu hóa dễ bị rối loạn
  8. Cơ thể mệt mỏi và hồi phục chậm

1. Da mất đàn hồi và khô ráp

Một trong những dấu hiệu đầu tiên của tình trạng thiếu collagen là sự thay đổi về chất lượng da. Da xuất hiện các dấu hiệu lão hoá như trở nên khô ráp, kém sức sống, dễ xuất hiện nếp nhăn, có xu hướng chùng nhão, đặc biệt ở vùng má và quanh cằm. Các nếp nhăn trên da xuất hiện rõ rệt, nhất là khi cười hoặc nhíu mày, và chúng không tự biến mất nhanh chóng như trước đây.

Dấu hiệu lão hoá da cho biết cơ thể thiếu collagen
Lão hoá da là dấu hiệu của thiếu hụt collagen

Da chảy xệ và hình thành nếp nhăn là dấu hiệu của thiếu hụt collagen vì collagen chiếm khoảng 70% protein trong lớp hạ bì, giữ vai trò liên kết các tế bào da và hỗ trợ ma trận ngoại bào (extracellular matrix). Nói cách khác, collagen đóng vai trò như một “khung nâng đỡ” giúp da duy trì độ săn chắc, đàn hồi và mịn màng. Khi cơ thể thiếu hụt collagen, cấu trúc nâng đỡ da suy yếu, khiến da mất đi sự săn chắc, dẫn đến chảy xệ và hình thành nếp nhăn.

Collagen liên kết với glycosaminoglycans (như axit hyaluronic) giúp giữ nước và duy trì độ ẩm trong da. Khi lượng collagen giảm, khả năng giữ nước của da cũng giảm, dẫn đến tình trạng da khô, kém mịn màng.

Ngoài ra, collagen cũng đóng vai trò trong quá trình tái tạo tế bào và mô da. Khi collagen bị thiếu hụt, tốc độ tái tạo da sẽ chậm hơn, làm cho da dễ bị tổn thương, xỉn màu và khó phục hồi từ các tác nhân gây hại bên ngoài như tia UV hay tác nhân ô nhiễm.

2. Tóc và móng dễ tổn thương

Khi cơ thể thâm hụt collagen, tóc trở nên yếu hơn, dễ gãy rụng, móng tay giòn, dễ bong tróc.

Tóc gãy rụng và móng tay dễ gãy là biểu hiện của thiếu collagen
Sụt giảm collagen khiến tóc và móng yếu

Tóc và móng dễ tổn thương khi cơ thể thiếu hụt collagen vì collagen đóng vai trò hỗ trợ sản xuất và bảo vệ keratin – loại protein chính cấu tạo nên tóc và móng. Collagen cung cấp các axit amin thiết yếu để cơ thể tổng hợp keratin như glycine, proline, và hydroxyproline. Collagen bị thiếu hụt làm giảm nguồn cung cấp axit amin, từ đó làm giảm sản lượng và chất lượng keratin, dẫn đến tóc yếu, dễ gãy rụng và móng giòn, dễ nứt.

Nang tóc và nền móng (nail bed) nằm trong lớp hạ bì (nơi collagen chiếm phần lớn cấu trúc mô liên kết). Collagen cung cấp độ bền, độ đàn hồi và môi trường ổn định cho nang tóc và nền móng phát triển. Thiếu collagen làm suy yếu lớp hạ bì, khiến nang tóc kém ổn định, khiến tóc dễ rụng, mỏng đi, và móng trở nên yếu, dễ gãy.

Ngoài ra, collagen còn giúp giữ ẩm và bảo vệ tóc, móng khỏi tác hại từ tia UV, tác nhân ô nhiễm, và các hóa chất khắc nghiệt. Collagen suy giảm khiến lớp bảo vệ tóc móng bị suy yếu, khiến tóc khô xơ và móng dễ bị tác động từ môi trường.

3. Xương khớp suy yếu

Người thiếu hụt collagen thường gặp các triệu chứng như đau nhức xương khớp, viêm khớp, khó khăn khi vận động và loãng xương.

Xương khớp suy yếu là biểu hiệu của thiếu hụt collagen vì collagen cấu thành gần 80% chất hữu cơ trong xương và chiếm khoảng 60% trọng lượng khô của sụn (theo nghiên cứu “Các loại collagen chính và phụ trong sụn khớp” của các nhà khoa học Tây Ban Nha năm 2021). Collagen tạo nên khung protein cho xương, giúp gắn kết các khoáng chất như canxi và photphat. Thiếu collagen làm giảm khả năng gắn kết này, dẫn đến mật độ xương giảm và xương trở nên xốp hơn (loãng xương). Collagen bị thiếu hụt khiến sụn bị thoái hoá, làm tăng ma sát giữa các khớp, từ đó dẫn đến đau nhức và giảm chức năng vận động của khớp.

4. Vùng mắt kém săn chắc

Quầng thâm dưới mắt, sụp mí, vùng da quanh mắt chùng nhão, xuất hiện nếp nhăn và bọng mắt là những dấu hiệu thiếu hụt collagen dễ nhận biết.

Khi thiếu collagen, vùng mắt xuất hiện nhiều dấu hiệu lão hoá
Thiếu collagen khiến vùng da mắt lão hoá

Khi lượng collagen giảm, cấu trúc nâng đỡ của lớp hạ bì bị suy yếu sẽ khiến da vùng mắt dễ xuất hiện tình trạng chùng nhão, bọng mắt, và nếp nhăn.

Collagen cùng với elastin giúp duy trì độ đàn hồi của da, cho phép da vùng mắt trở về trạng thái ban đầu sau các chuyển động cơ mặt (như chớp mắt hoặc cười). Thiếu collagen làm giảm khả năng phục hồi của da sau các chuyển động cơ mặt, dẫn đến hiện tượng da chảy xệ và kém săn chắc.

Khi collagen giảm làm da mất độ dày và độ săn chắc, làm cho các mạch máu dưới da trở nên dễ nhìn thấy hơn, góp phần làm xuất hiện quầng thâm mắt. Đồng thời, suy giảm collagen cũng làm yếu lớp mô liên kết, khiến mỡ tích tụ dưới mắt dễ di chuyển và hình thành bọng mắt.

5. Cấu trúc cơ thể thay đổi

Cấu trúc cơ thể thay đổi, đặc biệt là sự sụt giảm lượng cơ bắpda chảy xệ, là dấu hiệu của thiếu hụt collagen. Collagen cấu thành 1% – 2% mô cơ và chiếm 6% trọng lượng của các cơ bắp khỏe mạnh, gân guốc. Vì thế, thiếu hụt collagen dẫn đến việc mất liên kết mô cơ và giảm trọng lượng cơ bắp, khiến cho cơ thể trở nên yếu hơn và dễ bị chảy xệ.

6. Răng và lợi dễ tổn thương

Răng dễ lung lay, dễ bị mẻ hoặc gãy, men răng yếu, miệng hay bị lở loét, nhiễm trùng là các dấu hiệu cho thấy sự thiếu hụt collagen trong cơ thể.

Răng nướu tổn thương có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu collagen
Răng nướu tổn thương là dấu hiệu thiếu hụt collagen

Răng và lợi dễ tổn thương khi thiếu hụt collagen vì collagen chiếm phần lớn trong mô liên kết của lợi (nướu), giúp giữ răng chắc chắn trong xương hàm thông qua dây chằng nha chu. Khi thiếu hụt collagen, mô lợi suy yếu, dễ viêm nhiễm, dẫn đến viêm lợi hoặc viêm nha chu, từ đó làm giảm khả năng nâng đỡ răng, gây lung lay và tăng nguy cơ mất răng.

Ngoài ra, collagen loại VII (COL7) đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển men răng khỏe mạnh, theo nghiên cứu “Thiếu hụt Collagen loại VII gây ra sự hình thành men răng khiếm khuyết do sự phân hóa kém của tế bào tạo men răng” của các nhà khoa học Nhật Bản năm 2012. COL7 giúp các tế bào tạo men răng hoạt động bình thường và hình thành men răng chắc chắn. Thiếu COL7 có thể làm men răng yếu đi, khiến răng dễ bị sâu và tổn thương.

Ngoài ra, collagen đóng vai trò quan trọng trong việc sửa chữa và tái tạo mô lợi sau chấn thương hoặc tổn thương. Khi thiếu hụt collagen, khả năng tự phục hồi của lợi giảm, khiến các tổn thương nhỏ dễ phát triển thành các vấn đề nghiêm trọng hơn như loét miệng hoặc nhiễm trùng.

7. Hệ tiêu hóa dễ bị rối loạn

Các triệu chứng của lớp niêm mạc ruột bị tổn thương như đau quặn bụng, đầy hơi, chướng bụng, nóng rát ở thực quản và dạ dày,… là những biểu hiện của sự thâm hụt collagen trong cơ thể.

Hệ tiêu hóa bị rối loạn có thể là biểu hiện của cơ thể thiếu hụt collagen vì collagen là một thành phần quan trọng trong cấu trúc và chức năng của niêm mạc ruột, giúp duy trì sự bền vững và bảo vệ của hệ tiêu hóa. Niêm mạc ruột được lót bởi một lớp mô liên kết chứa collagen, giúp tạo thành hàng rào bảo vệ ngăn chặn vi khuẩn, độc tố và các tác nhân gây hại xâm nhập vào máu. Collagen cũng hỗ trợ tái tạo và sửa chữa các tế bào ruột bị tổn thương, đồng thời duy trì độ đàn hồi và tính toàn vẹn của thành ruột.

Theo nghiên cứu “Collagen trong bệnh đại tràng” của Bệnh viện Đại học Kỹ thuật Rhenish-Westphalian (RWTH) (Đức) năm 2006, sự thiếu hụt collagen có thể dẫn đến sự phát triển của các bệnh lý đường ruột khác nhau, bao gồm bệnh trĩ, viêm ruột, hội chứng ruột rò rỉ (leaky gut syndrome).

8. Cơ thể mệt mỏi và hồi phục chậm

Một dấu hiệu rõ ràng của thiếu hụt collagen là cảm giác mệt mỏi kéo dàivết thương lâu lành.

Thiếu collagen khiến vết thương lâu lành
Thiếu collagen khiến vết thương lâu lành

Collagen giúp duy trì sự linh hoạt và sức mạnh của cơ bắp bằng cách hỗ trợ cấu trúc mô liên kết bao quanh cơ. Khi collagen thiếu hụt, cơ bắp mất đi sự ổn định và dễ bị tổn thương hơn, dẫn đến cảm giác mệt mỏi sau các hoạt động thể chất.

Collagen đóng vai trò quan trọng trong việc sửa chữa mô bị tổn thương sau chấn thương hoặc vận động mạnh. Khi thiếu collagen, quá trình tái tạo mô da, xương, và khớp trở nên chậm chạp hơn, kéo dài thời gian hồi phục.

Có cách nào kiểm tra mức độ thiếu hụt collagen trong cơ thể không?

Có thể kiểm tra mức độ thiếu hụt collagen thông qua các dấu hiệu bên ngoài hoặc xét nghiệm chuyên sâu:

  • Quan sát dấu hiệu bên ngoài: Cách đơn giản nhất để phát hiện sự sụt giảm collagen là theo dõi các thay đổi về da, tóc, móng, xương, khớp. Các tình trạng như da xuất hiện nhiều nếp nhăn, tóc dễ gãy rụng, móng tay giòn và yếu, xương khớp đau nhức là dấu hiệu rõ ràng của việc thiếu hụt collagen.
  • Xét nghiệm định lượng Hydroxyproline: Hydroxyproline là một loại axit amin đặc biệt chủ yếu có trong collagen. Xét nghiệm định lượng Hydroxyproline là một phân tích được sử dụng để đo lượng hydroxyproline trong mẫu sinh học, cho biết chỉ số trực tiếp về hàm lượng collagen trong mẫu như xương, da hoặc sụn.

Tác hại của thiếu hụt collagen là gì?

Các tác hại chính của thiếu hụt collagen bao gồm lão hoá nhanh, đau khớp và suy yếu cơ thể.

  • Lão hóa nhanh: Thiếu hụt collagen kéo dài làm da xuất hiện nhiều nếp nhăn, khiến bạn trông già hơn so với tuổi thật.
  • Đau khớp: Suy giảm collagen gây ra tình trạng đau nhức khớp, làm giảm khả năng vận động và chất lượng cuộc sống.
  • Suy yếu cơ thể: Thiếu hụt collagen khiến sụn khớp suy yếu, từ đó làm tăng khả năng chấn thương. Suy giảm collagen cũng khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc phục hồi sau khi bệnh và khiến các vết thương lâu lành.
3 tác hại chủ yếu gây ra bởi sự sụt giảm collagen
Các tác hại của thiếu collagen

Nguyên nhân nào gây thiếu hụt collagen?

Thiếu hụt collagen xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm sự lão hóa tự nhiên, thói quen ăn uống không lành mạnh, căng thẳng và tác động của môi trường.

  • Lão hoá tự nhiên do tuổi tác: Khi tuổi tác tăng lên, khả năng sản xuất collagen tự nhiên của cơ thể sẽ giảm. Từ sau 20 tuổi, trung bình mỗi năm cơ thể người mất đi 1% collagen.
  • Chế độ ăn uống: Collagen được cơ thể tổng hợp từ các axit amin (như glycine, proline, hydroxyproline) và các chất dinh dưỡng hỗ trợ khác như vitamin C, kẽm và đồng. Một chế độ ăn uống thiếu chất đạm, vitamin và khoáng chất sẽ không cung cấp đủ nguyên liệu cho cơ thể sản sinh collagen. Ngoài ra, đường dư thừa kết hợp với protein trong cơ thể sẽ làm collagen cứng và mất đàn hồi thông qua quá trình glycation.
  • Stress: Căng thẳng kéo dài khiến tuyến thượng thận sản xuất hormone cortisol, phân huỷ và ức chế sản xuất collagen trong cơ thể. Theo website Happyhealthyyou, mức cortisol cao kích hoạt các enzyme metalloproteinase ma trận (MMP), làm phân hủy collagen và elastin trong da và khớp. Lượng cortisol cao kéo dài cũng làm giảm lượng collagen type I, từ đó dẫn đến giảm tổng hợp collagen và suy yếu quá trình tái tạo mô.
  • Tia UV: Tia UV làm giảm đáng kể độ ổn định và chức năng của collagen bằng cách phá vỡ các liên kết hydro, làm suy yếu cấu trúc và gây đứt gãy chuỗi peptide liên kết axit amin trong chuỗi collagen, theo nghiên cứu “Cấu trúc phân cấp collagen và khả năng dễ bị phân hủy bởi bức xạ cực tím” của Đại học Tufts (Hoa Kỳ).

Các nguyên nhân kể trên kết hợp với nhau sẽ làm tình trạng thiếu hụt collagen trầm trọng hơn.

Làm thế nào để cải thiện thiếu hụt collagen hiệu quả?

Để cải thiện tình trạng thiếu hụt collagen một cách hiệu quả, bạn hãy thực hiện các giải pháp như bổ sung thực phẩm giàu collagen trong bữa ăn hàng ngày, sử dụng các sản phẩm bổ sung collagen, và cải thiện lối sống.

  • Bổ sung thực phẩm hỗ trợ sản xuất collagen: Một chế độ ăn uống giàu protein, vitamin C, khoáng chất như kẽm, đồng, và các chất chống oxy hóa sẽ giúp kích thích sản xuất collagen. Hãy bổ sung các thực phẩm như thịt, cá, trứng, rau xanh, trái cây có múi,… vào khẩu phần ăn hàng ngày.
  • Sử dụng sản phẩm bổ sung collagen: Trên thị trường có nhiều thực phẩm chức năng collagen giúp bạn nạp collagen thuỷ phân trực tiếp cho cơ thể, giúp quá trình hấp thụ collagen dễ dàng, tiện lợi và nhanh chóng hơn.
  • Cải thiện lối sống: Để cải thiện tình trạng thiếu hụt collagen, bạn cần giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, duy trì thói quen tập thể dục đều đặn và ngủ đủ giấc. Các hoạt động này không chỉ giảm stress mà còn cải thiện tuần hoàn máu, hỗ trợ quá trình tổng hợp collagen.
3 biện pháp chính để giải quyết tình trạng thiếu collagen
Các biện pháp giải quyết thiếu hụt collagen

Cải thiện thiếu hụt collagen mất bao lâu?

Thời gian để thấy được hiệu quả cải thiện thiếu hụt collagen khác nhau tùy thuộc vào từng người. Thông thường, sau 4 – 12 tuần từ khi bạn bắt đầu các biện pháp bổ sung collagen thì sẽ bắt đầu cảm nhận sự thay đổi rõ rệt về chất lượng da, tóc và móng.

Làm thế nào để ngăn ngừa suy giảm collagen?

Để ngăn ngừa suy giảm collagen, bạn hãy bảo vệ da khỏi tác nhân gây hại, bổ sung dinh dưỡng hợp lý và duy trì lối sống lành mạnh. Cụ thể như sau:

  • Bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV bằng cách sử dụng kem chống nắng SPF 30 trở lên mỗi ngày, đội mũ rộng vành và tránh ra ngoài khi trời nắng gắt.
  • Xây dựng chế độ ăn giàu protein từ cá, thịt nạc, đậu và các loại hạt. Bổ sung vitamin C thông qua chế độ ăn uống và sản phẩm dưỡng da sẽ đẩy nhanh quá trình tái tạo collagen cho da.
  • Duy trì lối sống lành mạnh bằng cách giữ tinh thần thư giãn, ngủ đủ giấc 7 – 8 tiếng mỗi đêm, và tập thể dục đều đặn.
Chia sẻ bài viết này:
Viết bởi Vu Janette

Janette Vu (Vũ Hồng Hà) là một blogger chuyên nghiên cứu và đánh giá các sản phẩm collagen. Tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Dược phẩm tại Queen's University Belfast (Vương quốc Anh) và hoàn thành khóa học về Da liễu tại Mayo Clinic, cô có kinh nghiệm 4 năm làm việc trong ngành mỹ phẩm. Janette chia sẻ thông tin dựa trên kinh nghiệm thực tế và nghiên cứu khoa học, hướng đến những ai quan tâm đến chăm sóc da và làm đẹp.

error: Content is protected !!
Xem mục lục