8 tác dụng phụ có thể gặp phải khi uống thực phẩm bổ sung collagen, bao gồm:
- Tăng nguy cơ bị sỏi thận
- Gây vấn đề tiêu hóa
- Tăng canxi máu quá mức
- Dị ứng
- Chóng mặt nhức đầu
- Ảnh hưởng đến khẩu vị
- Nổi mụn
- Nguy cơ xơ gan
Bài viết dưới đây sẽ giải thích về các tác dụng phụ khi uống collagen, nguyên nhân và cách hạn chế các tình trạng bất lợi. Phần sau của bài viết cũng giải đáp các thắc mắc về ảnh hưởng của collagen đến nội tiết tố, kinh nguyệt, khả năng sinh sản, giấc ngủ,…
Để hạn chế những điều bất thường xảy ra với cơ thể khi uống collagen bổ sung, bạn cần lựa chọn loại collagen tốt từ các thương hiệu uy tín như Youtheory, Neocell, DHC, Shiseido, 82X, Vital Proteins, Nucos,…
Cuối cùng, trước khi quyết định sử dụng collagen, hãy xem xét bạn thuộc đối tượng nên hay không nên dùng collagen. Những người nên dùng collagen là người muốn làm đẹp da; người có vấn đề về xương khớp; người muốn tăng cường tóc và móng,… Những người không nên dùng collagen là người bị dị ứng với cá, động vật có vỏ, trứng; người bị viêm loét dạ dày; người mắc bệnh thận mạn tính,…
1. Tăng nguy cơ bị sỏi thận
Uống collagen có hại thận không? Collagen được chứng minh là gây hại cho những người mắc bệnh thận mạn tính. Bệnh thận mạn tính là tình trạng chức năng của thận suy giảm hoặc ngưng hoạt động, không đào thải được chất độc và dịch thừa ra khỏi máu. Tình trạng bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu người có bệnh thận uống collagen, do collagen có khả năng gây tăng áp lực nội cầu thận và tăng lọc cầu thận.
Trong cấu trúc xoắn 3 của collagen có chứa axit amin hydroxyproline. Theo nghiên cứu “Hydroxyproline trong chế độ ăn uống gây ra sỏi canxi oxalat và tổn thương thận liên quan ở lợn” được đăng tải trên Cơ sở Dữ liệu về Y khoa của Mỹ (2013), lợn (đối tượng nghiên cứu) được cho ăn hydroxyproline gặp các tổn thương ở thận do tăng oxalat niệu. Nghĩa là, tiêu thụ collagen (chứa hydroxyproline) khiến lượng oxalat bài tiết qua nước tiểu tăng lên và gây nên sỏi thận nếu tiêu thụ với lượng lớn.
2. Gây vấn đề tiêu hóa
Theo MedicineNet, thực phẩm bổ sung collagen có khả năng gây nên một số vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, ợ nóng, đầy hơi và cảm giác chán ăn. Tình trạng này xuất hiện do phản ứng của cơ thể với các chất phụ gia hóa học và các chất bổ sung có trong sản phẩm collagen. Báo Sức khỏe đời sống cho biết, các tác dụng phụ nêu trên chỉ gặp ở một số người dùng thông thường nhưng có thể gia tăng ở những người đau dạ dày hoặc có vấn đề tiềm ẩn ở hệ tiêu hóa.

“Uống collagen có bị táo bón không?” Uống collagen có thể gây táo bón cho một số người do cơ thể phản ứng với các phụ gia có trong thực phẩm chức năng collagen. Các nguyên nhân khác như chế độ ăn thiếu chất xơ và uống ít nước cũng góp phần gây nên tình trạng táo bón.
“Uống collagen có hại dạ dày không?” Theo Vinmec, hiện nay chưa có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định collagen có hại cho dạ dày. Nghĩa là collagen là lành tính đối với dạ dày của phần lớn người dùng thông thường. Tuy nhiên, những người đang bị bệnh viêm loét dạ dày được khuyến cáo không nên uống collagen. Nguyên nhân là do một số loại collagen có mùi tanh gây cảm giác buồn nôn và hầu hết các loại collagen đều được bổ sung vitamin C, dễ làm tăng axit dạ dày khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
3. Tăng canxi máu quá mức
Một số nghiên cứu khoa học cho thấy việc bổ sung collagen có thể dẫn đến tăng canxi máu quá mức (hypercalcemia). Tăng canxi máu quá mức là tình trạng nồng độ canxi trong máu cao hơn bình thường. Canxi là một khoáng chất quan trọng giúp duy trì sức khỏe xương và răng, nhưng khi có quá nhiều canxi trong máu, cơ thể có thể gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, đau nhức cơ, mất tập trung, thậm chí nhịp tim không đều. Tình trạng này nếu kéo dài có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như sỏi thận hoặc loãng xương.
Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí nghiên cứu nội tiết của Fujikawa et al., 2004, trong một trường hợp lâm sàng, các dấu ấn tiêu hủy xương như collagen type I đã tăng mạnh ở một bệnh nhân có tình trạng tăng canxi máu liên quan đến các vấn đề về tuyến giáp và hormone. Khi collagen trong xương bị phá vỡ, canxi từ xương sẽ được giải phóng vào máu, góp phần làm tăng mức canxi trong cơ thể.
Ngoài ra, nghiên cứu “Ảnh hưởng của tăng canxi máu trong quá trình hình thành bệnh xơ cứng màng nhĩ ở chuột” (Leal et al., 2006) cũng chỉ ra rằng tình trạng hypercalcemia có thể liên quan đến quá trình vôi hóa mô, một hiện tượng có thể xảy ra khi nồng độ canxi trong máu tăng cao. Điều này cho thấy rằng những người có sẵn vấn đề về xương hoặc tuyến giáp có thể gặp phải nguy cơ tăng canxi máu khi bổ sung collagen.
Nếu gặp các triệu chứng nghi ngờ của tăng canxi máu, bạn nên ngừng sử dụng collagen và tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm tra mức canxi. Để an toàn, hãy tuân thủ liều lượng khuyến nghị và theo dõi cơ thể khi dùng các loại thực phẩm bổ sung có chứa collagen.
4. Dị ứng
“Uống collagen có bị dị ứng không?” Uống collagen có thể gây dị ứng nhưng hiếm gặp, hầu như chỉ bắt gặp ở một số người nhạy cảm (theo Báo Sức khỏe đời sống). Dị ứng collagen là tình trạng xảy ra khi cơ thể phản ứng với các thành phần trong collagen, với các biểu hiện như ngứa ngáy, sưng tấy, phát ban, khó thở hoặc sốc phản vệ.

Những nguyên nhân dẫn đến dị ứng collagen bao gồm: Dị ứng với nguồn gốc collagen, mẫn cảm với chất phụ gia hoặc hương liệu, cơ địa nhạy cảm.
- Dị ứng với nguồn gốc collagen: Nghiên cứu “Collagen cá là một chất gây dị ứng quan trọng đối với người Nhật (2016)” của các nhà khoa học đến từ Nhật Bản cho biết collagen cá được xác định là một chất gây dị ứng rất phổ biến tại Nhật vào đầu những năm 2000.
- Mẫn cảm với chất phụ gia hoặc hương liệu: Một số sản phẩm bổ sung collagen có chứa chất phụ gia, hương liệu, chất bảo quản,… có khả năng gây dị ứng cho số ít người dùng nhất định.
- Cơ địa nhạy cảm: Người dùng có cơ địa nhạy cảm như có tiền sử dị ứng với protein động vật,… dễ bị dị ứng với collagen có nguồn gốc từ bò hay heo (lợn).
5. Chóng mặt nhức đầu
Hiện nay chưa có nghiên cứu cụ thể nào về hiện tượng chóng mặt nhức đầu do sử dụng collagen đường uống. Tuy nhiên, theo Báo Sức khỏe đời sống, biểu hiện chóng mặt nhức đầu sau khi uống collagen chỉ xảy ra ở một số trường hợp, khi dùng collagen liều lượng cao hoặc ở những người nhạy cảm với một vài thành phần bổ sung có trong collagen. Chóng mặt nhức đầu cũng có khả năng xảy ra do tình trạng phản ứng tương tác với các loại thuốc khác mà bạn đang sử dụng.
Bạn cần dừng uống collagen và tìm đến sự trợ giúp từ bác sĩ nếu tình trạng chóng mặt chức đầu kéo dài dai dẳng và trở nên nghiêm trọng hơn.
6. Ảnh hưởng đến khẩu vị
Collagen có thể ảnh hưởng đến khẩu vị, nhưng đây không phải tác dụng phụ đáng lo ngại, chủ yếu do mùi vị khó chịu từ nguồn gốc collagen, chẳng hạn như collagen từ cá có mùi tanh nhẹ.
Bạn nên chọn mua collagen từ những thương hiệu uy tín và trộn collagen với các loại thức uống khác để làm giảm mùi vị khó uống.
7. Nổi mụn
Phát ban, mụn trứng cá hoặc viêm da nói chung là các triệu chứng lâm sàng của tình trạng nổi mụn khi uống collagen (theo MedicineNet). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cơ thể nhạy cảm với các chất có trong collagen hoặc nguồn collagen tự nhiên bị ô nhiễm.
8. Nguy cơ xơ gan
“Uống collagen có hại gan không?” Theo Báo Sức khỏe đời sống, mắc xơ gan sau khi uống collagen là tình trạng không phổ biến. Đã có báo cáo về những biểu hiện bất thường ở gan trên một số trường hợp người dùng, bao gồm tăng men gan hoặc tổn thương gan. Dù vậy, cơ chế gây hại đến gan của collagen vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Khi xuất hiện triệu chứng như đau bụng, vàng da hoặc nước tiểu có màu sẫm,… trong quá trình dùng collagen thì bạn cần thăm khám y tế.
Một số hiệu ứng không mong muốn khác khi dùng collagen
Dưới đây giải thích về một số hiệu ứng không mong muốn khác khi dùng collagen.
- Giữ nước: Uống collagen không bị giữ nước. Collagen bổ sung không góp phần gây tăng cân hoặc tích nước do chứa rất ít calo, theo Vinmec, Absolute Collagen và nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản về “Khả năng giữ nước của collagen, gelatin và peptide được nghiên cứu bằng hệ thống IR/QCM/RH”, 2020.
- Thay đổi nội tiết: Uống collagen không làm thay đổi nội tiết tố. Việc bổ sung collagen không gây ảnh hưởng trực tiếp đến nồng độ hormone trong cơ thể, mặc dù collagen và hormone estrogen có mối liên hệ (estrogen giúp sản xuất collagen). Collagen hỗ trợ các chức năng như duy trì độ đàn hồi của da và sức khỏe khớp, chứ không điều chỉnh nội tiết.
- Ảnh hưởng đến kinh nguyệt: Uống collagen không ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Quá trình sản xuất collagen trong cơ thể không phản ánh chính xác sự tăng và giảm của nồng độ estrogen – loại hormone quan trọng trong việc điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt (Theo đơn vị chăm sóc da ở Bắc Mỹ và Úc Biopelle).
- Gây mất ngủ: Uống collagen có khả năng gây mất ngủ ở một số người. Có những người bị mất ngủ hoặc lo lắng khi bổ sung collagen, khả năng do collagen thiếu tryptophan – một chất cần thiết cho việc sản xuất serotonin, ảnh hưởng đến tâm trạng và giấc ngủ (Theo chuyên gia dinh dưỡng Trudy Scott).
- Gây ung thư: Uống collagen không gây ung thư, nhưng những người đã bị ung thư thì không nên uống collagen. Nghiên cứu “Nhắm mục tiêu collagen loại I để điều trị ung thư” (Run Shi, Zhe Zhang, Ankai Zhu và cộng sự, Bệnh viện Ung thư & Viện trực thuộc Đại học Y Quảng Châu, 2022) đã chỉ ra một số bất lợi mà collagen loại I gây ra cho ung thư như thúc đẩy sự tăng trưởng khối u, làm tế bào ung thư di căn và ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị khối u.
- Ảnh hưởng đến sinh sản: Uống collagen không gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai và cho con bú cần cẩn trọng khi bổ sung collagen, do hiện nay chưa có nghiên cứu nào xác minh tính an toàn của collagen đối với sức khỏe của mẹ và bé.

Những loại collagen nào an toàn nhất?
Những loại collagen an toàn nhất là những sản phẩm đến từ các thương hiệu uy tín như Youtheory, Neocell, Shiseido, Nucos, Vital Proteins, CodeAge, 82X, Swisse, Wellit, InnerB,…
Ai nên bổ sung collagen và ai không nên?
Những đối tượng nên bổ sung collagen bao gồm: Người muốn làm đẹp da, giảm nếp nhăn, da căng mịn; người có vấn đề về xương khớp; người muốn tăng cường tóc và móng; người hoạt động thể chất thường xuyên; người muốn cải thiện hệ tiêu hóa; người sau tuổi 25,…
Bên cạnh đó, có 6 đối tượng không nên dùng collagen, bao gồm: Người bị dị ứng với cá, động vật có vỏ, trứng; người bị viêm loét dạ dày; người mắc bệnh thận mạn tính; người bị bệnh huyết áp thấp; người mắc bệnh gút; người đang dùng thuốc đặc trị hoặc thuốc tránh thai.