Tự làm collagen là quá trình chiết xuất collagen (một loại protein cấu trúc chính trong cơ thể) từ các nguyên liệu tự nhiên như xương, da động vật thông qua việc đun sôi trong nước cùng các gia vị khác, sau đó lọc và làm đông dạng thạch hoặc làm thành bột.
Nguyên liệu chính để làm collagen là xương và da động vật (bò, gà, cá) hoặc vảy cá. Bài viết này hướng dẫn 2 cách làm collagen homemade, đó là collagen dạng bột và collagen dạng thạch. Để làm bột collagen, bạn đun sôi các nguyên liệu trong ít nhất 4 – 6 giờ, sau đó lọc bỏ xương vụn, tiếp đến là làm lạnh và làm khô hỗn hợp collagen và cuối cùng nghiền collagen thành bột. Để làm thạch collagen, bạn trộn đều bột gelatin, bột collagen với nước sôi và nước ép hoa quả giàu vitamin C, sau đó làm đông hỗn hợp và sử dụng.
Collagen tự làm cần được trong hộp kín, cất trong tủ mát và không tiếp xúc với không khí quá lâu, với thời hạn bảo quản 2 – 3 tháng.
Tự làm collagen tại nhà có ưu điểm là giúp kiểm soát chất lượng nguyên liệu, tránh các chất bảo quản, hạn chế phụ gia, tiết kiệm chi phí và tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu cá nhân. Xong nhược điểm của việc làm collagen homemade là khó đo lường hàm lượng collagen, kích thước phân tử collagen lớn hơn collagen sản xuất công nghiệp, thời gian bảo quản ngắn và mất nhiều thời gian chế biến.
Ngoài cách sử dụng collagen tự làm, bạn có thể bổ sung collagen thông qua chế độ ăn hàng ngày và thực phẩm chức năng collagen.
Cần những nguyên liệu gì để tự làm collagen?
Nguyên liệu cần chuẩn bị sẽ khác nhau, tùy thuộc vào loại collagen bạn định làm. Dưới đây là những nguyên liệu thường dùng để tự làm collagen tại nhà và công dụng của chúng.
- Xương và da động vật (bò, gà, cá) hoặc vảy cá: Cung cấp collagen tự nhiên, chủ yếu là collagen loại I và III (bò, gà) hoặc loại I và II (cá). Xương da động vật và vảy cá là nguồn nguyên liệu chính để chiết xuất collagen thông qua quá trình đun sôi và thủy phân.
- Giấm táo hoặc giấm ăn: Tạo môi trường axit giúp chiết xuất collagen từ xương và da động vật dễ dàng hơn. Axit axetic có trong giấm giúp phá vỡ các liên kết protein để giải phóng collagen.
- Nước: Là dung môi để chiết xuất collagen từ các nguyên liệu khác.
- Vitamin C (từ nước ép cam, quýt, quả mọng,…): Thường dùng để làm thạch collagen, có tác dụng kích thích quá trình tổng hợp collagen và ngăn ngừa sự suy giảm collagen trong cơ thể. Đồng thời, nước ép chứa vitamin C sẽ làm tăng hương vị của thạch collagen.
- Bột gelatin: Dùng khi làm thạch collagen, giúp thạch đông thành khối.
- Gia vị tùy ý (bột quế, nhục đậu khấu,…): Giúp tạo mùi thơm và dễ uống cho collagen.

1. Cách tự làm bột collagen tại nhà
Nguyên liệu:
- 0,5 kg – 1 kg xương/ da động vật (gà, bò, cá) hoặc vảy cá
- 30 ml giấm táo hoặc giấm ăn
- Nước
Dụng cụ:
- Nồi to và bếp đun (hoặc nồi nấu chậm)
- Rây lọc hoặc vải thưa
- Lò nướng
- Máy xay sinh tố
- Hộp kín
Cách làm:
- Bước 1 – Chuẩn bị nguồn collagen: Nướng xương động vật trong lò nướng 30 phút ở nhiệt độ 180℃ để giúp tăng hương vị của collagen. Cạo hết vảy trên da cá và rửa sạch. Rửa thật sạch vảy cá với nước.
- Bước 2 – Trộn các nguyên liệu: Cho nguồn collagen và giấm vào nồi lớn hoặc nồi nấu chậm. Đổ nước ngập mặt các nguyên liệu trên.
- Bước 3 – Đun hỗn hợp và vớt bọt: Ban đầu, đun sôi hỗn hợp ở nhiệt độ lớn. Sau đó, giảm nhiệt độ bếp xuống cho nước trong nồi sôi lăn tăn. Để hỗn hợp sôi lăn tăn như vậy trong ít nhất 4 – 6 giờ, thỉnh thoảng vớt bọt nổi trên bề mặt. Lưu ý, thời gian đun nhỏ lửa lâu hơn có thể chiết xuất được nhiều collagen hơn.
- Bước 4 – Lọc hỗn hợp và để hỗn hợp nguội: Lọc hỗn hợp collagen đã đun qua rây lọc hoặc vải thưa để loại bỏ vụn xương và tạp chất. Có thể lọc nhiều lần để hỗn hợp được trong. Để hỗn hợp nguội ở nhiệt độ phòng.
- Bước 5 – Làm lạnh hỗn hợp collagen và loại bỏ chất béo: Cất hỗn hợp collagen vào ngăn mát tủ lạnh qua đêm. Lúc này, hỗn hợp sẽ chuyển sang dạng sệt như thạch. Hớt bỏ chất béo đông lại trên bề mặt của hỗn hợp.
- Bước 6 – Làm khô hỗn hợp collagen: Đổ collagen ra khay nướng và cho khay vào lò nướng. Bật lò nướng ở nhiệt độ 60℃, cài đặt thời gian ngắn cho mỗi lần sấy. Sấy đến khi hỗn hợp collagen chuyển thành một tấm khô và giòn.
- Bước 7 – Nghiền tấm collagen thành bột: Bẻ nhỏ tấm collagen đã sấy khô. Sau đó, cho những mảnh collagen nhỏ vào máy xay sinh tố và xay chúng thành bột mịn. Thành phẩm thu được là bột collagen.
- Bước 8 – Bảo quản: Đổ bột collagen vào hộp kín và bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh. Thời hạn sử dụng bột collagen tự làm là 2 – 3 tháng.

2. Cách tự làm thạch collagen tại nhà
Nguyên liệu:
- 1 lít nước ép cam tươi, lọc bã
- 500 ml nước đun sôi
- 2 thìa (muỗng) canh bột collagen thủy phân (cách làm được hướng dẫn ở trên)
- 3 thìa canh bột gelatin từ bò
Cách làm:
- Bước 1: Khuấy đều bột gelatin với nước sôi đến khi bột gelatin tan hết.
- Bước 2: Đổ hỗn hợp nước gelatin vào nước cam, khuấy đều cho hỗn hợp hòa quyện với nhau.
- Bước 3: Cho bột collagen vào hỗn hợp ở bước 2 và trộn đều.
- Bước 4: Đổ hỗn hợp đã trộn ở bước 3 vào hộp thủy tinh có nắp đậy và cất hộp vào ngăn mát tủ lạnh. Thời gian để hỗn hợp đông thành thạch tối thiểu là 6 giờ.
- Bước 5: Cắt thạch thành miếng và thưởng thức.
- Bước 6: Bảo quản phần thạch chưa sử dụng hết trong hộp có nắp đậy kín, ở ngăn mát tủ lạnh (2℃ – 4℃, tương đương 36℉ – 39℉) trong thời gian từ 5 – 7 ngày. Không sử dụng khi thạch đã có mùi lạ hoặc bị nhớt.

Bảo quản collagen homemade như thế nào?
Để bảo quản collagen homemade, bạn làm như sau:
- Để collagen nguội hoàn toàn ở nhiệt độ phòng trước khi bảo quản lạnh để tránh hơi nước ngưng tụ. Collagen đã nguội cần được làm lạnh ngay để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.
- Đựng collagen trong hộp kín có nắp đậy, tránh để collagen tiếp xúc với không khí và ngăn ám mùi từ thực phẩm khác trong tủ lạnh.
- Cất collagen trong ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ ổn định 2°C – 4°C (36℉ – 39℉). Thời hạn sử dụng từ 2 – 3 tháng đối với collagen dạng bột và 5 – 7 ngày đối với collagen dạng thạch.
- Chia collagen thành từng phần nhỏ để bảo quản, hạn chế mở hộp lớn nhiều lần để tránh nhiễm khuẩn và oxy hóa collagen.
- Ghi chú ngày sản xuất và ngày hết hạn sử dụng trên hộp collagen, đảm bảo sử dụng đúng hạn để collagen có tác dụng tốt nhất và an toàn cho sức khỏe.

Collagen tự làm tại nhà có ưu nhược điểm gì?
Collagen tự làm tại nhà có những ưu điểm và nhược điểm sau đây.
Ưu điểm:
- Chất lượng nguyên liệu được kiểm soát, không có chất bảo quản hoặc chất phụ gia, phù hợp với nhu cầu sức khỏe cá nhân.
- Chi phí thấp hơn so với sản phẩm collagen bán sẵn do nguyên liệu có giá thành phải chăng.
- Công thức có thể tuỳ chỉnh để tạo mùi hương theo ý muốn.
- Thân thiện với môi trường do giảm thiểu bao bì nhựa và chất thải trong quá trình sản xuất.
Nhược điểm:
- Hàm lượng collagen khó đo lường để đảm bảo sử dụng đúng liều lượng bổ sung collagen cần thiết mỗi ngày.
- Collagen homemade không được thủy phân chuyên nghiệp nên có kích thước phân tử lớn hơn, giảm hiệu quả hấp thụ so với collagen sản xuất công nghiệp.
- Thời gian bảo quản ngắn. Collagen tự làm dễ bị hỏng nếu không được cất trữ đúng cách.
- Quá trình chế biến mất thời gian, cần trông chừng liên tục nên không phù hợp với người có lịch trình bận rộn.
- Quá trình chế biến cần sự chính xác để tối ưu hóa việc chiết xuất collagen. Do đó, người mới làm lần đầu có thể gặp khó khăn.
Có những cách nào khác để bổ sung collagen?
Ngoài sử dụng collagen tự làm tại nhà, bạn còn có thể bổ sung collagen qua việc ăn những thức ăn cung cấp nhiều collagen tự nhiên trong các bữa ăn hàng ngày. Hoặc uống thực phẩm chức năng collagen từ các thương hiệu collagen uy tín bán sẵn trên thị trường. Tham khảo thêm bài viết đánh giá collagen của blog Giải Mã Collagen để lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu cá nhân.