Ai không được uống collagen? 6 đối tượng không nên uống collagen là:
- Người bị bệnh dị ứng với cá, động vật có vỏ, trứng
- Người bị bệnh viêm loét dạ dày.
- Người bị bệnh thận mạn tính.
- Người bị bệnh huyết áp thấp.
- Người bị bệnh gút.
- Người bệnh đang dùng thuốc đặc trị hoặc thuốc tránh thai.
6 đối tượng kể trên không nên uống collagen bởi một số thành phần có trong collagen có khả năng gây dị ứng, làm tình trạng bệnh trở nên nặng hơn hoặc làm giảm hiệu quả của các thuốc đặc trị,… Ngoài ra, phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, người có khối u, người bị bướu cổ hoặc cường giáp đều cần thận trọng khi bổ sung collagen.
Bổ sung collagen có khả năng gây ra một vài tác dụng phụ như tăng nguy cơ bị sỏi thận; gây vấn đề tiêu hóa; tăng canxi máu; đau đầu, chóng mặt; dị ứng hoặc gây vấn đề bất thường ở gan.
1. Bệnh dị ứng với cá, động vật có vỏ, trứng
Bệnh dị ứng với cá, động vật có vỏ (shellfish), và trứng là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với các protein trong những thực phẩm này. Người bị dị ứng cá, động vật có vỏ như tôm, cua, hàu và trứng thường gặp triệu chứng nổi mẩn, ngứa, sưng tấy, khó thở, tiêu chảy hoặc sốc phản vệ.
Những người bị dị ứng nặng với hải sản không nên uống collagen vì nhiều sản phẩm collagen được chiết xuất từ cá và động vật có vỏ, có thể gây ra các phản ứng dị ứng.
2. Bệnh viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày là tình trạng tổn thương niêm mạc dạ dày gây ra đau thượng vị, ợ hơi, và ợ chua. Những người bị viêm dạ dày nặng dễ bị kích ứng khi sử dụng collagen vì:
- Một số loại collagen chiết xuất từ cá có mùi tanh, có thể gây buồn nôn.
- Collagen thường được bổ sung vitamin C để tăng khả năng hấp thụ, nhưng vitamin C có tính axit, có thể làm tăng axit dạ dày, khiến tình trạng viêm loét trở nên nghiêm trọng hơn.
Hãy sử dụng collagen khi tình trạng viêm loét đã ổn định, nhưng nên ngưng nếu có dấu hiệu tái phát dạ dày.

3. Bệnh thận mạn tính
Bệnh thận mạn tính là tình trạng chức năng của thận bị suy giảm hoặc ngừng hoạt động, không đào thải được các chất độc và dịch thừa ra khỏi máu.
Collagen chứa hydroxyproline, một loại axit amin có thể làm tăng oxalat niệu, dẫn đến sỏi thận khi dùng liều cao. Theo nghiên cứu về “Chế độ ăn uống gây ra sỏi canxi oxalat và tổn thương thận liên quan ở mô hình lợn” được đăng tải trên Cơ sở Dữ liệu về Y khoa của Mỹ, tiêu thụ hydroxyproline có thể gây lắng đọng oxalat, gây tổn thương thận. Vì vậy, người bị bệnh thận mạn tính không nên bổ sung collagen để tránh làm tăng áp lực nội cầu thận.
4. Bệnh huyết áp thấp
Huyết áp thấp là tình trạng huyết áp giảm dưới mức 90/60 mmHg (mức bình thường là 120/80 mmHg). Theo Vinmec, collagen thủy phân có thể giảm huyết áp nhẹ. Vì vậy, người có huyết áp thấp nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh nguy cơ tụt huyết áp đột ngột khi sử dụng collagen.
5. Bệnh gút
Bệnh gút (hay thống phong) là một loại viêm khớp với các triệu chứng đau đột ngột ở khớp ngón chân, tay, và đầu gối. Theo Harvard Health Publishing (trang thông tin về sức khỏe của Đại học Harvard), người mắc bệnh gút nên hạn chế nạp collagen vào cơ thể vì collagen là protein, có thể làm tăng purine trong cơ thể, ảnh hưởng đến cơn đau gút.
6. Người bệnh đang dùng thuốc đặc trị hoặc thuốc tránh thai
Người bệnh đang sử dụng thuốc đặc trị như thuốc tiểu đường, thuốc điều trị ung thư, thuốc cao huyết áp nên hạn chế uống collagen. Lý do là collagen có thể tương tác với thuốc đặc trị, làm giảm hiệu quả điều trị và gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như mệt mỏi kéo dài, thiếu sức sống và giảm hiệu quả của quá trình điều trị bệnh mãn tính.
Phụ nữ đang dùng thuốc tránh thai cũng nên cẩn trọng khi bổ sung collagen. Việc uống collagen cùng thuốc tránh thai có thể gây ra hiện tượng mang thai giả với các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt, buồn nôn, mệt mỏi, và cảm giác đau bụng. Điều này làm tăng nguy cơ rối loạn nội tiết và gây ra các triệu chứng tương tự như mang thai thật nhưng không có sự thụ thai.
Ai nên cẩn trọng khi bổ sung collagen?
Có 5 đối tượng nên thận trọng khi bổ sung collagen, đó là phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, người bị u, người bị bướu cổ và người bị cường giáp.

Phụ nữ có thai
Collagen tự nhiên do cơ thể sản xuất có vai trò quan trọng trong thai kỳ của phụ nữ. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng việc bổ sung collagen bằng thực phẩm chức năng là an toàn cho phụ nữ có thai. Các nghiên cứu trên nhóm người không mang thai cho thấy collagen có thể bổ sung protein, giảm đau nhức xương khớp, hỗ trợ sức khỏe xương và làn da.
Dù vậy, cần lưu ý khi bà bầu uống collagen là thực phẩm bổ sung thường không được khuyến cáo cho phụ nữ có thai vì không chắc chắn về thành phần và độ an toàn của các chất này. Do đó, phụ nữ mang thai nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xem xét mức độ an toàn và liều lượng phù hợp.
Phụ nữ đang cho con bú
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về độ an toàn của thực phẩm chức năng bổ sung collagen đối với phụ nữ đang cho con bú. Collagen giúp phụ nữ sau sinh cải thiện tình trạng rụng tóc, rạn da và tăng độ ẩm cho da. Tuy nhiên, sự an toàn cho em bé vẫn cần cần lưu ý khi phụ nữ cho con bú uống collagen.
Để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để đánh giá tác động đến sữa mẹ, cách lựa chọn loại và liều lượng collagen phù hợp.
Bị u có uống được collagen không?
Bị u có thể uống collagen. Người có khối u lành tính (u xơ, u nang) có thể uống collagen ở liều lượng thấp và dùng theo liệu trình hợp lý. Người có u tuyến giáp cũng có thể dùng collagen vì nó không ảnh hưởng đến hormone hay chức năng tuyến giáp. Tuy nhiên, bệnh nhân có khối u ác tính đang điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị nên tránh dùng collagen để đảm bảo quá trình điều trị diễn ra suôn sẻ.
Người bị u nên lựa chọn loại collagen không chứa các thành phần có khả năng kích thích sự phát triển của khối u và không tương tác với thuốc điều trị. Tham khảo chi tiết về cách dùng collagen cho người bị u trong bài viết liên quan trên website Giải Mã Collagen.
Bị bướu cổ có uống collagen được không?
Bị bướu cổ có thể uống collagen. Bệnh bướu cổ là một dạng bệnh lý tuyến giáp phổ biến, đặc trưng bởi vùng cổ phình to do kích thước tuyến giáp tăng lên. Collagen không gây ảnh hưởng xấu đến tuyến giáp. Thậm chí, theo Bệnh viện Thu Cúc, collagen có tác dụng ổn định lượng protein trong cơ thể, kích thích sản sinh và duy trì sự cân bằng của hormone tuyến giáp.
Bị cường giáp có uống được collagen không?
Người bị cường giáp có thể uống collagen nhưng nên tránh collagen có chiết xuất từ tảo biển vì có thể chứa lượng iot cao, gây ảnh hưởng đến bệnh. Nên lựa chọn collagen có thành phần an toàn, không ảnh hưởng đến thuốc điều trị bệnh lý tuyến giáp.
Uống collagen có tác dụng phụ không?
Uống collagen có khả năng gây ra một vài tác dụng phụ. Một số hiệu ứng không mong muốn của collagen thường gặp nhất là tăng nguy cơ sỏi thận; gây đầy hơi, chướng bụng hoặc tiêu chảy, tăng canxi máu quá mức, dị ứng, đau đầu, chóng mặt,…