Người bị u có uống collagen được không? Người u xơ và u nang lành tính và người bị u tuyến giáp có thể uống collagen với liều lượng, liệu trình và loại collagen phù hợp.
U là sự tăng trưởng bất thường của các mô do tế bào phân chia mất kiểm soát. U gồm có hai loại là lành tính và ác tính. U lành tính không xâm lấn, ít nguy hiểm, trong khi u ác tính (ung thư) có thể di căn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong.
Collagen là một loại protein không hoàn chỉnh có vai trò quan trọng với sức khỏe làn da, xương sụn, tóc móng và sức khỏe tổng thể. Hiện nay chưa có kết luận chính xác nhất về sự ảnh hưởng của collagen đến các khối u hay uống collagen có làm tăng khối u không. Một vài nghiên cứu cho rằng collagen có tính 2 mặt, tức là có khả năng ức chế hoặc thúc đẩy khối u ở từng bối cảnh cụ thể.
Khi chọn collagen cho người bị u cần lưu ý chọn collagen có nguồn gốc hữu cơ và không chứa các thành phần kích thích khối u tăng trưởng hoặc tương tác với thuốc điều trị khối u.
Người bị u uống collagen cũng cần tuân theo quy tắc uống collagen thông thường, được nêu ở phần cuối của bài viết. Ngoài ra, người bệnh cần thăm khám định kỳ trong quá trình uống collagen để đảm bảo rằng khối u không chuyển thành ác tính.
Cuối cùng, bài viết nêu ra các đối tượng không nên sử dụng collagen bổ sung, bao gồm: Người đang dùng thuốc đặc trị, người mắc các bệnh viêm dạ dày, thận mạn, huyết áp thấp, gút và dị ứng thành phần collagen.
Uống collagen có làm tăng khối u không?
Chưa có kết luận thống nhất về tác động của collagen bổ sung đối với sự phát triển của khối u. Một số nghiên cứu cho rằng collagen có khả năng thúc đẩy sự phát triển của khối u. Trong khi đó, một vài nghiên cứu khác lại chỉ ra collagen có thể ức chế hoặc thúc đẩy sự tiến triển của khối u tùy thuộc vào bối cảnh.
Nghiên cứu “Vai trò đa dạng của Collagen trong quá trình phát triển và tiến triển của ung thư” (2024) của các nhà khoa học từ Đại học Palermo (Ý) và Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho biết, collagen hỗ trợ cấu trúc cho khối u, tạo ra một khung hỗ trợ sự phát triển khối u. Sự lắng đọng collagen tăng lên có thể khiến ma trận ngoại bào (ECM) cứng hơn, thúc đẩy sự phát triển của khối u.
Một nghiên cứu khác có tên “Sự sống còn của tế bào ung thư phụ thuộc vào sự hấp thụ collagen vào mô liên kết khối u” (2022) của Hsu, KS., Dunleavey, J.M., Szot, C. và cộng sự cho thấy collagen loại I đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của khối u rắn. Các tế bào ung thư có thể tận dụng các sản phẩm phụ từ quá trình trao đổi chất của tế bào gốc tiêu thụ collagen, giúp khối u tồn tại ngay cả khi nguồn dinh dưỡng bị hạn chế. Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở bệnh nhân ung thư vú, lượng collagen cao trong khối u có liên quan đến tiên lượng điều trị kém hơn.
Collagen không chỉ thúc đẩy sự phát triển của khối u mà còn có thể ức chế quá trình này. Nghiên cứu “Collagen như một con dao hai lưỡi trong quá trình tiến triển của khối u” (2013) của Min Fang và cộng sự tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện Trung Nam, Đại học Vũ Hán (Trung Quốc) cho thấy, collagen có thể hỗ trợ sự tiến triển của khối u bằng cách thúc đẩy hình thành mạch máu, tạo điều kiện cho tế bào ung thư xâm lấn và di chuyển. Tuy nhiên, collagen cũng có vai trò trong điều hòa miễn dịch trong môi trường vi mô của khối u. Quá trình tái tạo collagen có thể làm mất ổn định sự kết dính tế bào, kích hoạt tín hiệu tăng trưởng, từ đó góp phần vào sự phát triển và di căn của khối u.
Trong một bản tin của Trung tâm Ung thư MD Anderson của Đại học Texas (2021) đã đề cập rằng, trong một số mô hình, việc giảm collagen dẫn đến tăng tốc độ phát triển của ung thư tuyến tụy. Điều đó cho thấy collagen đóng vai trò bảo vệ và kiểm soát sự tiến triển của ung thư tuyến tụy trong trường hợp này. Khi collagen bị mất, mức chemokine tăng lên và ung thư có thể phát triển nhanh hơn.
Nghiên cứu “Collagen trong ung thư: chất điều hòa cấu trúc và bảo vệ sự tiến triển của ung thư” của Daniela De Martino và Jose Javier Bravo-Cordero (Viện Ung thư Tisch, Trường Y Icahn, Hoa Kỳ) cũng nêu rằng, pro-peptide collagen tuýp III có thể ức chế hoạt hóa nguyên bào sợi và làm giảm sự phát triển của khối u ung thư vú.
Nhìn chung, collagen có tính 2 mặt đối với khối u. Việc collagen làm tăng trưởng hay ức chế sự tăng trưởng khối u còn tùy thuộc vào loại khối u và lượng collagen cụ thể.
Khối u là sự phát triển bất thường của các mô trong cơ thể do tế bào phân chia mất kiểm soát. Khối u được chia làm 2 loại là khối u lành tính và khối u ác tính. U lành là loại u không xâm lấn, không di căn và thường không gây nguy hiểm cho người bệnh. U ác còn gọi là ung thư, có khả năng xâm lấn và lan sang các cơ quan khác, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí tử vong. Khối u có nguy cơ xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể, chẳng hạn như thận, gan, phổi,…

Người bị u tuyến giáp có uống được collagen không?
Người bị u tuyến giáp có thể uống collagen, nhưng cần lưu ý chọn loại collagen phù hợp và uống đúng cách để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nói chung, collagen lành tính với người u tuyến giáp và có nhiều lợi ích như hỗ trợ da, tóc, móng, giảm viêm và cải thiện sức khỏe khớp, đặc biệt với những người bị suy giáp. Tuy nhiên, một số loại collagen có chứa i-ốt như collagen từ cá có thể gây mất cân bằng hormone tuyến giáp, nhất là với người bị cường giáp hoặc Hashimoto. Do đó, người có u tuyến giáp nên chọn collagen thủy phân từ bò hoặc heo, không chứa i-ốt, không có chất tạo ngọt nhân tạo và giàu dưỡng chất hỗ trợ tuyến giáp như vitamin C, kẽm, selen.
Đồng thời, người bệnh u tuyến giáp nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung collagen để đảm bảo an toàn sức khỏe.
U tuyến giáp (hay nốt tuyến giáp/ hạt giáp/ nhân tuyến giáp) là các khối u hoặc tổn thương nhỏ nằm trong tuyến giáp, xuất hiện đơn lẻ hoặc với số lượng nhiều. U tuyến giáp có thể là u lành tính, cũng có thể là u ác tính (ung thư tuyến giáp). Tuyến giáp là một tuyến nhỏ nằm ở vùng cổ trước, bên trên xương ức, có nhiệm vụ sản xuất hormone điều hòa chuyển hóa.
Bị u xơ có uống được collagen không?
Bị u xơ có thể uống collagen, xong cần uống ở liều lượng vừa phải kết hợp với lối sống lành mạnh. Bên cạnh đó, người bị u xơ cần thăm khám định kỳ để chắc chắn rằng u xơ không bị biến đổi thành ung thư.
U xơ là dạng khối u lành tính, hình thành ở các mô liên kết, phổ biến nhất là u xơ tử cung và u xơ tuyến vú.

Người bị u xơ tử cung có uống được collagen không?
Người bị u xơ tử cung có thể uống collagen. Theo Bệnh viện Thu Cúc, chưa có nghiên cứu nào kết luận rằng sử dụng collagen gây ảnh hưởng đến nội tiết, sự hình thành và phát triển của khối u xơ tử cung. Collagen không làm biến đổi hóc-môn cũng như quá trình hoạt động và chức năng của hệ nội tiết. Do vậy, bổ sung collagen không khiến cho tình trạng u xơ tử cung diễn biến tệ hơn.
Tuy nhiên, người bị u xơ tử cung vẫn cần sự tư vấn của bác sĩ về loại collagen, liều lượng và thời gian uống để không gây ảnh hưởng đến khối u và sức khỏe tổng thể.
U xơ tử cung là khối u xuất hiện ở trong cơ tử cung hoặc thành tử cung, có thể nằm ở dưới thanh mạc, dưới lớp niêm mạc, bên trong lớp cơ hoặc bên ngoài tử cung.
Bệnh nhân u xơ tuyến vú có uống được collagen không?
Bệnh nhân u xơ tuyến vú có thể uống collagen (theo Bệnh viện Đa khoa Phương Đông). Tương tự như u xơ tử cung, hiện cũng chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng sử dụng collagen bổ sung khiến tăng kích thước u xơ tuyến vú hoặc biến khối u thành ác tính. U xơ vú thường hình thành do sự thay đổi nồng độ estrogen trong cơ thể, mà collagen lại không ảnh hưởng đến quá trình sản sinh estrogen.
Dù vậy, người bị u xơ tuyến vú cần chú ý một vài điều sau đây khi uống collagen để không gây hại đến sức khỏe:
- Bổ sung collagen đúng liều lượng trong thời gian hợp lý.
- Lựa chọn collagen từ thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ đảm bảo.
- Xác định rõ mục đích sử dụng collagen và tham khảo ý kiến bác sĩ về cách uống collagen.
- Duy trì chế độ ăn lành mạnh và tập thể thao hợp lý.
- Thăm khám định kỳ để kiểm soát tốc độ phát triển của khối u và đảm bảo khối u không chuyển thành dạng ác tính.
U xơ tuyến vú là khối u vú lành tính, bao gồm mô sợi và mô tuyến kết hợp thành khối. U xơ tuyến vú có thể chuyển biến thành ung thư vú trong một số ít trường hợp.
Bị u nang có uống được collagen không?
Người bị u nang có thể uống collagen, vì collagen có lợi cho sức khỏe mô liên kết, hỗ trợ cân bằng hóc-môn và giảm viêm. Tuy nhiên, do chưa có nghiên cứu cụ thể về tác động của collagen đối với u nang, do đó người bệnh nên chọn collagen chất lượng, không chứa phụ gia có hại và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng để đảm bảo an toàn.

Người bị u nang buồng trứng có uống collagen được không?
Người bị u nang buồng trứng có thể uống collagen. Theo Vinmec, hiện tại chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy collagen gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của u nang hoặc làm mất cân bằng hormone. U nang buồng trứng xuất hiện do sự mất cân bằng của hormone nữ như estrogen và progesterone. Tuy nhiên, collagen lại không có ảnh hưởng trực tiếp đến các hormone nữ này.
Trên thực tế, khi cơ thể mất cân bằng nội tiết, nữ giới sẽ gặp các vấn đề về da như nếp nhăn, chảy xệ, nám da, rụng tóc, rối loạn kinh nguyệt. Uống thực phẩm chức năng bổ sung collagen không gây hại mà còn giúp hỗ trợ sức khỏe tổng thể và làn da của phụ nữ.
Tuy vậy, nữ giới chỉ nên uống collagen khi u nang được chẩn đoán là lành tính. Bạn cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn trước khi uống collagen để có liệu trình phù hợp, an toàn với sức khỏe.
U nang buồng trứng là khối u có vỏ bọc bên ngoài và chứa dịch lỏng bên trong, hình thành trong buồng trứng của nữ giới. U có thể phát triển từ các mô của buồng trứng hay từ mô của cơ quan khác. Loại u này rất phổ biến ở nữ giới, nhất là phụ nữ ở trong độ tuổi sinh đẻ.
Collagen loại nào tốt cho người có khối u?
Rất khó trả lời chính xác loại collagen nào tốt cho người có khối u vì cần cân nhắc từng trường hợp bệnh lý riêng biệt.
Những tiêu chí để lựa chọn collagen tốt cho người bị u, bao gồm:
- Thành phần có nguồn gốc hữu cơ: Người bị u nên chọn collagen chất lượng được làm từ cá biển sâu, heo hoặc bò ăn cỏ không chứa kháng sinh, không chứa hóa chất hay hormone tăng trưởng. Bên cạnh đó, nên chọn mua collagen từ những thương hiệu uy tín, được kiểm định an toàn sản xuất để đảm bảo chất lượng.
- Không chứa các thành phần kích thích sự phát triển của khối u và tương tác với các loại thuốc điều trị khối u: Người bị u xơ tử cung, u xơ tuyến vú, u nang buồng trứng cần tránh các sản phẩm collagen có chứa estrogen. Người bị u tuyến giáp tránh uống collagen từ cá biển sâu hoặc từ các thành phần khác có chứa i-ốt để không làm ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Ngoài ra, nên chọn các loại collagen không chứa chất phụ gia hoặc hương liệu tổng hợp.

Người bị u uống collagen như thế nào?
Nhìn chung, người bị u uống collagen cần tuân theo các quy tắc uống collagen cơ bản. Một số điều cần lưu ý bao gồm:
- Liều lượng: 1.000 – 1.500 mg (bằng 1 – 1,5 gram) collagen mỗi ngày.
- Liệu trình: Ít nhất 3 tháng, sau đó nghỉ 1 – 2 tháng trước khi bắt đầu liệu trình mới.
- Thời điểm uống: Bất kể lúc nào cảm thấy thuận tiện. Có thể uống vào buổi sáng khi bụng đói hoặc buổi tối trước khi đi ngủ để tăng khả năng hấp thụ.
- Hạn chế ăn đường, chất bột đường tinh luyện, đồ ăn dầu mỡ, thức ăn nhiều muối,… để tránh phá vỡ collagen.
Ai không nên dùng thực phẩm bổ sung collagen?
Những người nên tránh sử dụng collagen là: Người bị dị ứng với thành phần collagen, người bị viêm loét dạ dày, người mắc bệnh thận mạn tính, người bệnh huyết áp thấp, người mắc bệnh gout, người đang uống thuốc điều trị đặc biệt hoặc thuốc ngừa thai.